Nhang đèn cúng là gì và những điều cần biết

Nhang đèn cúng là gì và những điều cần biết

1. Nhang đèn cúng là gì?

Nhang đèn cúng là từ ghép, dùng để chỉ cho hai vật phẩm luôn có trên bàn thờ, đó là nhang (hương) và đèn. Đèn ở đây có thể là đèn điện, đèn nến hoặc các loại đèn nói chung để thắp sáng bàn thờ.

Nhang và đèn thường đi sóng đôi với nhau. Ngày xưa, trên bàn thờ luôn có cặp chân đèn dùng để cắm đèn cầy đốt, hoặc một cây đèn hột vịt. Khi đốt nhang, gia chủ đưa nhang vào ngọn lửa đèn để đốt rồi mới cắm nhang lên bát hương. Nhang và đèn do đó là những thứ không thể thiếu trên bàn thờ.

Nhang và đèn cũng là hai thứ đại diện cho hành Hỏa trên bàn thờ, trong ngũ hành. Nhang và đèn giúp duy trì sự ấm cúng cho bàn thờ nói riêng và cho cả gia đình, cả ngôi nhà nói chung. Bàn thờ không có nhang, không có đèn thì sẽ trở nên lạnh lẽo. Ban thờ lạnh lẽo không duy trì được sinh khí thì sẽ khiến cho cả ngôi nhà trở nên lạnh lẽo, thiếu sinh khí, tài lộc do đó bị ngưng trệ, thậm chí thất thoát, ảnh hưởng tiêu cực đến phong thủy và tâm linh trong ngôi nhà.

Cũng vì lý do này mà người ta thường hay nói “duy trì hương hỏa” cho gia đình, gia tộc, tức là duy trì việc đốt nhang, giữ lửa, giữ sinh khí trên bàn thờ tổ tiên cho gia đình, gia tộc. Có như vậy thì gia đình, gia tộc mới tích tụ được vượng lộc, được tổ tiên phù hộ độ trì.

2. Tục đốt nhang đèn cúng bái trên bàn thờ có từ khi nào?

Không rõ tục đốt hương có cụ thể từ khi nào. Trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn và sách Việt Nam Phong tục của Phan Kế Bính chép rằng tục đốt hương có từ thời Hán Vũ Đế, khi vua Hồn Da (nước ở Tây Vực) đầu hàng, dâng lên Vũ Đế pho tượng bằng vàng đặt ở cung Cam Tuyền, khi tế không dùng trâu bò, chỉ đốt hương lễ bái. Tục đốt hương bắt đầu từ đấy.

Ở Việt Nam, tục đốt hương xuất hiện từ thời Bắc thuộc, khi du nhập tục đốt hương từ Ấn Độ theo các thuyền buôn, khác với phương Bắc, ở Việt Nam, nhà tư (tư nhân) cũng có thể đốt hương, trong khi ở phương Bắc chỉ có vua quan cao cấp mới được đốt tế lễ. Cùng với đó, sự du nhập của Phật giáo vào nước ta đã góp phần phổ biến tục đốt hương.

Trước đó, người dân ở nhiều nơi trên thế giới cũng có đốt hương, tuy nhiên việc đốt hương chỉ để xua đuổi tà ma hoặc xua đuổi các loại côn trùng nhờ các thứ cây cỏ thơm. Hương ở đây là hương liệu, có ý nghĩa khác so với nhang (cũng là hương) vốn cũng làm từ hương liệu nhưng mục đích đốt lên khác nhau: để tế lễ.

Nén hương, ngọn lửa được cho là biểu hiện của con người, vốn có từ thời xa xưa, khi giao tiếp với thần linh người ta thường dùng đống lửa để tế lễ và giao tiếp với thần linh, với các linh hồn ở thế giới bên kia.

Do đó, việc thắp hương, đốt đèn cốt phải thể hiện được lòng thành chứ không nằm ở số lượng hương đốt hay đồ lễ. Chính vì vậy, việc đốt hương, đốt đèn hay thậm chí là hóa vàng cũng nên được thực hiện ở một mức độ nhất định, vừa phải, không nên thắp/đốt quá nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và lãng phí.

 

Xem thêm: Ý nghĩa, nguồn gốc và tục đốt các loại vàng mã

3. Ý nghĩa của việc đốt nhang đèn cúng

Đốt nhang đèn cúng bái là một tập tục có từ xưa, ở Việt Nam, dù là ở hệ thống tín ngưỡng nào thì việc thắp hương là việc đầu tiên của người Việt khi có nhu cầu cúng bái trước bàn thờ. Việc đốt nhang không chỉ tạo ra không khí trang nghiêm, tập trung cao độ cho việc cúng bái, mà còn duy trì sinh khí trong suốt lễ cúng.

Khói nhang được cho là mùi hương đưa đường dẫn lối cho Thần Phật, linh hồn tổ tiên hoặc các vong linh đến nơi ngự và thọ nhận đồ lễ mà con người dâng lên. Dù là bàn thờ ở nhà, hay ở đình chùa miếu mạo, các nơi thờ tự, nhang là thứ không thể thiếu. Sự hiện diện của chân nhang, tàn nhang để phân định vùng đất của người sống và người đã khuất.

Khi đốt nén nhang, con người có xu hướng tìm đến những lời khẩn cầu, lời nguyện và giãi bày tâm tư tình cảm đến chốn vô định, nơi mà các vị Thần Phật hoặc vong linh lắng nghe. Không hẳn mọi lời nguyện sẽ trở thành hiện thực, tuy nhiên, thông qua bàn thờ và nén nhang, con người tạo dựng, duy trì và phát triển những liên kết của mình, của thế giới người sống với thế giới tâm linh ở bên kia – nơi mà Thần Phật, các linh hồn cư ngụ.

Nén nhang do đó là cây cầu nối đưa hai cuộc sống trở nên gần gũi, nối kết lẫn nhau, ảnh hưởng đến nhau, và làm nền tảng cho những sự phát triển tâm linh khác, trở thành một phần trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt.

Đèn là công cụ duy trì ánh sáng, sự sống và là hiện thân của sự thịnh vượng, là đại diện cho phần Dương trong lý thuyết Âm Dương. Bàn thờ tuy là nơi có trường khí âm, nhưng lửa trên nén nhang, hay ngọn đèn – lại thuộc về Dương.

Điều này mới nghe tuy có phần hơi lạ lùng, song trong lý thuyết Âm Dương, trong Dương có Âm mà trong Âm có Dương, Âm – Dương đối lập mà tương hỗ lẫn nhau, vận hành không ngừng. Sự cân bằng Âm Dương là nền tảng sinh sôi nảy nở của vạn vật, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái từ đó sinh ra vạn vật trong thiên hạ. Chính vì vậy, bàn thờ sản sinh ra trường khí Âm thì phải có dấu hiệu của Dương để cân bằng, hài hòa trường khí, từ đó duy trì sinh khí và làm nền tảng sinh sôi tài lộc trong gia đình.

4. Đốt nhang đèn như thế nào cho đúng

Đốt nhang đèn cần phải đốt đúng cách. Bởi lẽ, hoạt động đốt nhang đốt đèn là cầu nối giữa thế giới người sống với thế giới của các linh hồn, mở ra cánh cổng giao tiếp giữa hai thế giới. Chính vì vậy, nếu không đốt đúng cách hậu quả sẽ khó lường.

Việc đốt nhang nên tiến hành tại đình, chùa, miếu, mạo hoặc trên bàn thờ gia tiên. Khi cúng các vong linh lang thang, người cúng có thể cúng ở nơi tập trung nhiều vong linh nhưng phải là nơi cố định: như gốc cây, ngôi hương. 

Tuyệt đối không nên cúng ở bất kỳ nơi nào “cảm thấy” cần cúng. Bởi lẽ, việc cúng bái không đúng nơi có thể dẫn đến rủi ro không đáng có, chẳng hạn như vấn đề hỏa hoạn hoặc thậm chí là vấn đề tâm linh – khi các vong linh đã khuất có thể tụ tập và phá quấy hoặc theo người cúng về nhà. Nên cúng ở đình chùa miếu mạo vì đây là các nơi có Thần Phật trấn giữ, sẽ hạn chế được các vấn đề tâm linh không đáng có, đồng thời có tổ chức quản lý việc cúng bái diễn ra nên sẽ an toàn và thuận tiện hơn.

Trên bàn thờ người mới mất, cho đến trước lễ cúng năm (hoặc lễ 100 ngày), gia đình nên duy trì đèn thờ và đốt nhang cho người đã khuất liên tục để giữ hương hỏa ấm cúng cho vong linh người đã khuất, tránh để đèn tắt, hoặc không đốt nhang, làm cho bàn thờ và vong linh trở nên lạnh lẽo. Tuy nhiên gia đình cũng nên cẩn trọng trước nguy cơ hỏa hoạn đến từ việc đốt nhang trên bàn thờ không ngừng.

Sau khoảng thời gian trên, gia đình có thể ngừng đốt đèn (nến) trên bàn thờ người đã khuất, tuy nhiên gia đình vẫn có thể thắp đèn điện (nến điện) để giữ ánh sáng trên bàn thờ mà không nhất thiết phải đốt lửa. Việc thắp nhang có thể tùy gia đình (đốt hằng ngày, đốt dịp đầu tháng hoặc rằm, đốt vào lúc có nghi lễ).

Hùng Tân Chợ Lớn